Thị trường carbon là một công cụ kinh tế quan trọng nhằm giảm phát thải khí nhà kính (KNK) và thúc đẩy phát triển bền vững. Thông qua cơ chế mua bán hạn ngạch phát thải, các doanh nghiệp và tổ chức có thể tối ưu hóa chi phí giảm phát thải, đồng thời khuyến khích các hoạt động đầu tư vào công nghệ sạch và năng lượng tái tạo. Trên thế giới, thị trường carbon đã phát triển mạnh mẽ với hai hình thức chính: Thị trường giao dịch phát thải (ETS) và thị trường tin chỉ carbon tự nguyện. Ở Việt Nam, xây dựng thị trường carbon là một trong những cam kết quan trọng để thực hiện Thỏa thuận Paris và các mục tiêu tại COP26 về đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nền tảng pháp lý cho thị trường carbon đã được hình thành thông qua Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, trong đó quy định về lộ trình xây dựng và vận hành thị trường carbon. Đặc biệt, từ năm 2025, Việt Nam dự kiến triển khai thí điểm thị trường carbon nội địa, bao gồm các hoạt động giao dịch hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon.
Hiện nay, các thí điểm như Chương trình giảm phát thải thông qua nỗ lực chống mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) và cơ chế tín chỉ carbon tự nguyện đã bước đầu tạo nền móng cho việc phát triển thị trường carbon ở Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức về hạ tầng kỹ thuật, năng lực quản lý và nhận thức của các bên liên quan vẫn cần được giải quyết để đảm bảo thị trường carbon hoạt động hiệu quả, minh bạch và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Xem thêm chi tiết tại Tạp chí Điện tử Kinh doanh và Phát triển