Việt Nam được coi là nước có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon, nếu thực hiện được các giao dịch tương xứng, nước ta có thể bán tín chỉ carbon với giá trị khoảng 300 triệu USD/năm… Việc phát triển thị trường tín chỉ carbon sẽ giúp Việt Nam xanh hoá nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp.
Thị trường tín chỉ carbon là thị trường trong đó hàng hóa giao dịch được quy đổi ra đơn vị carbon, cụ thể có 2 loại hàng hóa được giao dịch trên thị trường carbon là hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon.
Hạn ngạch phát thải là khối lượng khí nhà kính, quy về đơn vị tấn CO2 tương đương mà cơ quan quản lý cho phép một cơ sở/đối tượng/tổ chức được phép phát thải trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu cơ sở đó phát thải quá hạn ngạch được quy định thì sẽ phải mua hạn ngạch của cơ sở khác hoặc tín chỉ các-bon trên thị trường để bù trừ phần vượt quá, hoặc sẽ bị phạt bởi cơ quan quản lý nhà nước.
Tín chỉ carbon là đại diện cho lượng tấn CO2 tương đương mà một hoạt động có thể tạo ra, dựa trên khả năng hấp thụ hoặc loại bỏ khí nhà kính của hoạt động đó (ví dụ: hoạt động trồng rừng, thu hồi khí để phát điện) hoặc dựa trên khả năng giảm phát thải của hoạt động đó so với các hoạt động thông thường khác (ví dụ: năng lượng tái tạo giúp giảm phát thải so với năng lượng hóa thạch, tiết kiệm năng lượng giúp giảm phát thải so với thực hành không tiết kiệm, v.v)